Lịch sử Người Do Thái ở Hồng Kông

Thế kỉ 19

Mộ của Horace Kadoorie tại một nghĩa trang Do Thái ở khu dân cư Bào Mã Địa, Hồng Kông

Người Do Thái là một trong những người định cư đầu tiên tới Hồng Kông sau khi nơi đây trở thành thuộc địa của Anh vào năm 1841.[1] Người định cư Do Thái đầu tiên là thương gia người Sephardi Elias David Sassoon (1820–1880), con trai của doanh nhân Mumbai quyền lực David Sassoon (1792–1864), người đã mở một văn phòng ở Quảng Châu vào năm 1844.[2] Điều này cho thấy sự quan tâm của David Sassoon & Co. đối với thị trường Trung Quốc.[3] Một cộng đồng Do Thái thường trú được hình thành ở Hồng Kông vào những năm 1850. Đời sống xã hội của cộng đồng xoay quanh các gia tộc Sephardi giàu có như Sassoon và Kadoorie, một gia đình Do Thái Bagdad khác có nhiều lợi ích bên ngoài Hồng Kông. Những gia tộc này chủ yếu sử dụng nhân viên Do Thái trong các công ty thương mại của mình, khuyến khích một làn sóng người Do Thái mới từ Bagdad và Mumbai đến Hồng Kông.[4][5]

Năm 1855, một nghĩa trang Do Thái được thành lập ở khu vực Bào Mã Địa.[6] Hội đường Do Thái đầu tiên được mở vào năm 1870 tại một nhà tập thể trên Đường Hollywood, nhưng nhanh chóng bị thay thế bởi một hội dường mới vào năm 1881.[7] Vào những năm 1880, một làn sóng người Do Thái Ashkenazi từ Đông Âu (chủ yếu từ Đế quốc Nga) và Balkan đến định cư ở Hồng Kông. Những người Sephardi giàu có tránh xa, tạo khoảng cách, không muốn dính líu tới những người Ashkenazi chủ yếu là nghèo khổ.[8][9] Hai cộng đồng thậm chí còn không cầu nguyện cùng nhau và chôn cất người chết ở các khu vực khác nhau. Người Ashkenazi buộc phải định cư trong các nhà trọ và khu dân cư nghèo, làm việc trong các quán bar và câu lạc bộ không minh bạch, một số người phụ nữ còn làm nghề mại dâm.[8][9]

Vào nửa cuối thế kỷ 19, Elias David Sassoon là nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong cộng đồng Do Thái ở Hồng Kông. Ông đứng đầu chi nhánh David Sassoon & Co. ở Trung Quốc và Nhật Bản, kiểm soát các chuyến hàng thuốc phiện Ấn Độ, cũng như việc vận chuyển hàng hóa của công ty giữa Mumbai, Kolkata, Hồng Kông, Quảng Châu, Thượng Hải, NagasakiYokohama.[10] Sassoon đã ủng hộ tiền thành lập một hội đường Do Thái và Sailors' House, một trong những tổ chức từ thiện đầu tiên, ở Hồng Kông. Năm 1865, gia tộc Sassoon hỗ trợ thành lập Hongkong and Shanghai Banking Corporation (HSBC), và vào đầu những năm 1870, David Sassoon & Co. đứng đầu trong việc cung cấp thuốc phiện từ Hồng Kông sang Trung Quốc, vượt qua đối thủ cạnh tranh chính là Jardine Matheson & Co.[11][5] Vào tháng 10 năm 1879, kho than của công ty ở cảng Hồng Kông bị cháy và vào tháng 3 năm 1880, Elias Sassoon qua đời ở Colombo.[12]

Một thành viên nổi bật khác của gia tộc Sassoon là Frederick David Sassoon (1853–1917). Ban đầu, ông chỉ hỗ trợ anh trai của mình là Elias Sassoon. Sau khi Elias Sassoon qua đời, ông đứng đầu công việc kinh doanh của gia đình ở Hồng Kông và giám sát tất cả hoạt động ở vùng Viễn Đông. Ngoài ra, trong các năm 1878–1879 và 1885–1886, ông là chủ tịch hội đồng quản trị của HSBC. Từ năm 1884 đến năm 1887, ông là thành viên của Hội đồng Lập pháp Hồng Kông với tư cách một thẩm phán cấp thấp (justice of the peace, JP).[13][14] Sau khi chuyển đến Anh, ông là chủ tịch của David Sassoon & Co. ở London và giám đốc của Ngân hàng Hoàng gia Ba Tư.[14] Ngoài Frederick, anh trai ông là Arthur (Abraham) David Sassoon (1840–1912) cũng nằm trong ban giám đốc của HSBC.[15][9]

Một thành viên nổi bật khác của cộng đồng Do Thái Hồng Kông là Charles Henry Bosman (1839–1892). Ông là một người Do Thái Hà Lan, người đứng đầu Bosman and Co., đồng sở hữu khách sạn sang trọng đầu tiên của thành phố, và là giám đốc của Hong Kong and Whampoa Dock, thành lập vào năm 1863 bởi doanh nhân người Scotland Thomas Sutherland. Đến năm 1869, Charles Bosman là lãnh sự Hà Lan ở Hồng Kông và điều hành một công ty bảo hiểm hàng hải. Tập đoàn lớn nhất Hồng Kông, Jardine Matheson & Co. là khách hàng của công ty này. Charles Bosman sau này chuyển đến Anh và có quốc tịch vào năm 1888. Ông mất ở London vào năm 1892.[16][17] Vào cuối thế kỷ 19, con trai của Charles Bosman, Robert Hotung Bosman, là một trong những người giàu nhất Hồng Kông. Với tầm ảnh hưởng và sự giàu có của mình, ông có thể cạnh tranh với các chủ hãng buôn lớn của Anh ở Hồng Kông.[18]

Cùng với gia tộc Sassoon và Bosman, Emanuel Raphael Belilios (1837–1905) cũng là một người Do Thái nổi bật ở Hồng Kông. Thành công nhờ buôn bán thuốc phiện, Belilios đứng đầu Hongkong Hotel Company, đồng thời là chủ tịch hội đồng quản trị của HSBC và là thành viên của Hội đồng Lập pháp Hồng Kông.[19][20]

Nửa đầu thế kỷ 20

Đường Nathan, đặt theo tên của Thống đốc Hồng Kông Matthew Nathan là người Do Thái.

Vào đầu thế kỷ 20, theo số liệu chính thức, 165 người Do Thái sống ở Hồng Kông, chủ yếu là người Sephardi từ Bagdad. Năm 1901, Jacob Sassoon (1843–1916) ủng hộ tiền xây Hội đường Do Thái giáo Ohel Leah, và vào năm 1905, anh em nhà Kadoorie đã xây dựng Jewish Recreation Club (Câu lạc bộ Do Thái) bên cạnh, một trung tâm cho đời sống xã hội của cộng đồng. Giai đoạn 1904-1907 khi Matthew Nathan, một người Do Thái, làm Thống đốc Hồng Kông được coi là thời kỳ hoàng kim của cộng đồng.[21][22] Trong thời kỳ này, nghĩa trang người Do Thái được mở rộng và tuyến đường sắt giữa Cửu Long và Quảng Châu bắt đầu được xây dựng. Tuyến phố chính của Cửu Long được đặt tên là Đường Nathan để vinh danh ông. Năm 1911, số người Do Thái ở Hong Kong là 230.[23] Từ đầu những năm 1920 đến giữa những năm 1930, có một làn sóng các doanh nhân Do Thái đến thành phố Thượng Hải, một nơi đang phát triển nhanh chóng. Vì vậy, số lượng người Do Thái ở Hồng Kông giảm xuống dưới 100 người. Người Sephardi vẫn như trước đây chiếm thế thượng phong. Tuy nhiên, cán cân bắt đầu thay đổi về phía người Ashkenazi khi nhiều người tị nạn từ Đông Âu di cư đến Hồng Kông.[24][25][26]

Trong nửa đầu thế kỷ 20, hai anh em Jacob Elias Sassoon và Edward Elias Sassoon (1853–1924), cùng với người họ hàng Edward Shellim (1869–1928), là những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong cộng đồng Do Thái ở Hồng Kông. Shellim, cháu của Elias David Sassoon, bắt đầu làm quản lý tại chi nhánh Hồng Kông của David Sassoon & Co., và sau đó trở thành chủ tịch của HSBC từ năm 1912 đến năm 1913. Ông cũng là giám đốc của Hong Kong Tramways, Hongkong LandHong Kong and Kowloon Wharf and Godown Company. Ông còn là thành viên ủy ban cố vấn của China Sugar Companies Refining, Hong Kong Fire Insurance và Canton Insurance Society. Ngoài các hoạt động thương mại, Shellim còn là một thẩm phán cấp thấp, một thành viên của Hội đồng Lập pháp Hồng Kông từ năm 1913 đến năm 1918, và là thành viên của Ủy ban Phòng Thương mại Tổng hợp Hồng Kông, House of Sailors, người đứng đầu ủy ban tài chính của Bệnh viện Alice Ho Miu Ling Nethersole, hội đồng Hội đường Do Thái Ohel Leah và Hội đồng Đại học Hồng Kông.[27][28] Shellim mất vào ngày 8 tháng 12 năm 1928.[29][30]

Gia tộc Kadoorie cạnh tranh thành công với gia tộc Sassoon. Ở đỉnh cao quyền lực, hai anh em Ellis (1865–1922) và Elly Kadoorie (1867–1944) giữ cổ phần trong Công ty Năng lượng và Ánh sáng Trung Quốc, HSBC, Star Ferry, các nhà máy dệt và đồn điền cao su,[31] sở hữu nhiều bất động sản và Hongkong Hotel Company (nay được gọi là Hongkong and Shanghai Hotels). Năm 1928, Elly Kadoorie mở khách sạn danh giá nhất ở Hồng Kông gần ga Cửu Long— khách sạn The Peninsula Hong Kong cao sáu tầng.[32][26]

Từ năm 1937, những người tị nạn Do Thái (chủ yếu là người Do Thái giàu có với hộ chiếu Anh hoặc Mỹ) từ Thượng Hải, Thiên TânCáp Nhĩ Tân, chạy trốn khỏi sự chiếm đóng của Nhật Bản và đổ về Hồng Kông, cùng với một số người Do Thái từ châu Âu chạy trốn khỏi Chủ nghĩa Quốc xã.[33] Thành phần tộc người của những người này khá đa dạng; có người Do Thái Bagdad, Do Thái Nga, Do Thái Đức, Do Thái Áo, Do Thái Ba Lan và Do Thái Séc. Hong Kong Society of Jewish Refugees được thành lập để giúp đỡ những người này.[34][25][35]

Một làn sóng tị nạn Do Thái khác từ châu Âu qua các cảng Mumbai, Singapore và Hồng Kông đến Thượng Hải, nơi mà sau khi Nhật Bản chiếm đóng, người châu Âu vẫn không cần thị thực[36][37]—trái ngược với chính quyền thuộc địa Anh không cho phép người tị nạn Do Thái xuống cảng.[38]

Trước khi Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng, vẫn có một số liên hệ giữa khu người Do Thái ở Thượng Hải và Hồng Kông. Thế nhưng, sau vụ tấn công, nhiều người Do Thái Bagdad giàu có ở Thượng Hải — nhiều trong số đó có quốc tịch Anh — đã bị bắt giữ. Vào đêm trước khi Nhật Bản tấn công Hồng Kông vào tháng 12 năm 1941, một số người Do Thái đã tìm cách rời khỏi nơi đây. Trong thời kỳ Nhật chiếm đóng, Hội đường Do Thái Ohel Leah được sử dụng làm kho chứa, Câu lạc bộ Do Thái bị cướp phá, và nhiều thành viên cộng đồng Do Thái bị giam giữ trong Trại Stanley,[39] (nơi, ví dụ, gia đình của Morris Abraham Cohen và Elly Kadoorie bị bắt giam).[40][25] Sau chiến tranh, một số người Do Thái địa phương đã trở về Hồng Kông; vào năm 1949, Câu lạc bộ Do Thái bị phá hủy trước đó đã được khôi phục lại.[23]

Nửa sau thế kỷ 20

Vườn bách thảo và Trang trại Kadoorie

Vào nửa sau thế kỷ 20, đại diện tiêu biểu nhất của cộng đồng Do Thái ở Hồng Kông là Lawrence Kadoorie (1899–1993) và Horace Kadoorie (1902–1995) — 2 người con trai của Elly Kadoorie, các đối tác trong công việc kinh doanh gia đình và 2 nhà từ thiện nổi tiếng. Sau chiến tranh, họ hồi sinh Công ty Năng lượng và Ánh sáng Trung Quốc và Khách sạn The Peninsula Hong Kong, thành lập Tổng công ty Hongkong and Shanghai Hotels. Ngoài ra, hai anh em còn trở thành cổ đông của các doanh nghiệp dệt may, công ty Star Ferry và tuyến cáp treo Peak Tram dẫn lên Đỉnh Victoria. Lawrence cũng từng là thành viên ban giám đốc của HSBC.[23][41]

Lawrence Kadoorie là thành viên của Hội đồng Lập pháp và Hành pháp Hồng Kông trong những năm 1950. Năm 1962, Lawrence và Horace Kadoorie nhận được Giải thưởng Ramon Magsaysay. Lawrence Kadoorie nhận được Huân chương Đế quốc Anh năm 1970, được phong Hiệp sĩ năm 1974, được phong Nam tước cho hoạt động từ thiện năm 1981, và là người đầu tiên sinh ra ở Hồng Kông trở thành thành viên của Thượng Nghị viện Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland.[42][43]

Năm 1951, Lawrence và Horace Kadoorie thành lập một hiệp hội để giúp đỡ nông dân Trung Quốc địa phương ở Tân Giới. Vào năm 1956, hai người thành lập một vườn bách thảo và trang trại. Nơi đây sau này trở thành tổ chức nghiên cứu hàng đầu của Hồng Kông trong lĩnh vực sinh thái và nông nghiệp.[23]

Có 250 người Do Thái ở Hồng Kông (một nửa Sephardi, một nửa Ashkenazi) vào năm 1954. Con số này giảm xuống còn 230 vào năm 1959 và 200 vào năm 1968 (130 người Ashkenazi và 70 người Sephardi). Năm 1974, theo danh sách tổng hợp của Hội đường Do Thái Ohel Leah và Câu lạc bộ Do Thái, có khoảng 450 người Do Thái địa phương sống ở Hồng Kông.[23][44]

Năm cuộn kinh Torah, thuộc về cộng đồng người Do Thái cổ đại ở Khai Phong được tìm thấy ở "Chợ trộm" ("Thieves' Market"), phố Cat (khu phố Lascar, Thượng Hoàn, Hồng Kông) vào năm 1974, ngày nay được lưu giữ trong Hội đường Do Thái Ohel Leah.[23][45] Năm 1984, Hiệp hội Lịch sử Do Thái Hồng Kông được thành lập để nghiên cứu lịch sử của người Do Thái ở Trung Quốc. Một năm sau, Tổng lãnh sự Israel tại Hồng Kông và Ma Cao chính thức được bổ nhiệm (Israel chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào năm 1992).[7]

Vào cuối những năm 1980, Giáo sĩ người Mỹ Samuel Joseph đến Hồng Kông và trở thành người đứng đầu đầu tiên của Giáo đoàn Do Thái thống nhất Hồng Kông (United Jewish Congregation of Hong Kong). Vào thời điểm đó, cộng đồng này vẫn chưa có địa điểm riêng, và các cuộc họp được tổ chức tại Câu lạc bộ Mỹ (American Club) hoặc Câu lạc bộ Hạm đội Trung Quốc (China Fleet Club).[46] Năm 1989, 39% thành viên của Hội đường Ohel Leah và Câu lạc bộ Do Thái là người Mỹ, 27% là người Anh (bao gồm cả cư dân Hồng Kông), và 17% là người Israel.[25][47] Năm 1991, Trường bán trú Do Thái Carmel (Carmel Jewish Day School) được thành lập, nằm ở cánh đông của một bệnh viện quân đội Anh ở Bán Sơn.[48] Trong nửa đầu những năm 1990, có 1,5 nghìn người Do Thái sống ở Hồng Kông, trong đó khoảng 1.000 người tham gia vào đời sống cộng đồng.[25] Theo Bảo tàng ANU - Bảo tàng Người Do Thái, trước khi Hồng Kông được chuyển giao cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1997), có khoảng 2.500 người Do Thái sống tại đây, 2/3 trong số đó là người Mỹ và người Israel;[7] trong khi theo American Jewish Year Book, có khoảng từ 3.000 đến 6.000 người Do Thái sống ở Hồng Kông vào năm 1997.[49] Thành phần của cộng đồng Do Thái cũng đã chuyển từ người Bagdad và Tây Âu sang người Mỹ, Anh và Israel.[50] Theo một cuộc khảo sát năm 1989, chỉ có 3% người Do Thái Hồng Kông sử dụng tiếng Quảng Đông là ngôn ngữ chính hoặc tiếng mẹ đẻ (chủ yếu là phụ nữ Trung Quốc cải sang đạo Do Thái để kết hôn), trong khi chỉ có 7% học tiếng Quảng Đông như ngôn ngữ thứ hai. 9% số người trả lời khảo sát nói tiếng Quan Thoại như một ngôn ngữ thứ hai.[51]

Khách sạn The Peninsula Hong Kong là tài sản nổi tiếng nhất của gia tộc Kadoorie.

Năm 1995, một trung tâm cộng đồng Do Thái lớn được xây bên cạnh Hội đường Do Thái Ohel Leah, thay thế cho Câu lạc bộ Do Thái cũ. Giáo đoàn Do Thái thống nhất Hồng Kông được chuyển đến trung tâm này, và kể từ đó các nghi lễ tôn giáo bắt đầu được tổ chức trong khán phòng nơi đây, và các giáo sĩ Do Thái của cộng đồng sống trong một khu dân cư gần đó.[46] Vào tháng 10 năm 1998, Hội đường Do Thái Ohel Leah mở cửa lại sau một cuộc tôn tạo lớn. Nơi đây đã khôi phục lại diện mạo ban đầu và dự án tôn tạo này đã giành được một giải thưởng UNESCO.[23][52]

Thế kỷ 21

Số người Do Thái ở Hồng Kông
YearDân số
1882[7]
~60
1911[23]
230
1954[44]
250
1959[44]
230
1968[44]
200
1974[44]
~450
~1995[7][49]
~3.000-4.000
1997[7][49]
~2.500-6.000
2004[44]
~3.000
2010[53]
~5.000
2015[54][55]
~2.500/~5.000
2019[56][57]
~5.000

Khoảng 5.000 người Do Thái sống ở Hồng Kông vào năm 2010,[53] thuộc bảy giáo đoàn: Giáo đoàn Do Thái thống nhất cải cách (reformist United Jewish Congregation); chi nhánh Hasidic Chabad ở Hồng Kông, Cửu Long và Đại Tự Sơn; và các giáo đoàn Chính thống Sephardi Kehilat Zion (Cửu Long) và Shuva Israel (Hồng Kông).[7] Phần lớn người Do Thái tập trung ở Đảo Hồng Kông, chủ yếu là khu vực Bán Sơn, Trung HoànKim Chung. Tuy nhiên, cũng có nhiều người Do Thái ở Tân Giới và Cửu Long, chủ yếu ở Tiêm Sa Chủy và Đông Tiêm Sa Chủy. Người nhập cư từ Hoa Kỳ và Canada chiếm đa số, mặc dù cũng có nhiều người từ Tây Âu (Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ), Israel, Nam Phi, Úc và New Zealand. Những người nước ngoài làm việc tại Hồng Kông bao gồm doanh nhân, quản lý, chuyên gia, nhà báo, giáo viên và giáo sư.[46] Hầu hết người Do Thái nói tiếng Do Thái hoặc tiếng Anh và một số rất nhỏ nói tiếng Quảng Đông hoặc Quan Thoại.[51] Theo Đại hội Do Thái thế giới (World Jewish Congress), khoảng 2.500 người Do Thái sống ở Hồng Kông vào năm 2015; trong khi theo Hiệp hội Lịch sử Do Thái Hồng Kông (Jewish Historical Society of Hong Kong) là gần 5.000 người.[55] Tính đến năm 2019, khoảng 5.000 người Do Thái sống ở Hồng Kông.[56][57]

Nơi tập trung quan trọng nhất của người Do Thái Hồng Kông nằm trên đường Robinson ở Bán Sơn. Trung tâm Cộng đồng Do Thái (Jewish Community Centre) được xây dựng ở đây vào năm 1995, bao gồm một thư viện, một kho lưu trữ Do Thái-Trung Quốc, một trung tâm học tập, một khán phòng đa năng, một hồ bơi trong nhà, một phòng tập thể dục, một nhà hàng thịt và sữa kosher, một quán cà phê và một cửa hàng tạp hóa kosher.[49] Cạnh đó là Hội đường Do Thái Ohel Leah lịch sử, với mikveh duy nhất ở Hồng Kông.[58][59] Tổng Lãnh sự quán Israel nằm tại tòa 2 khu phức hợp văn phòng Trung tâm Kim Chung (Admiralty Centre), Đường Harcourt, Kim Chung, Hồng Kông.[60]

Một số thành viên quan trọng hiện nay của cộng đồng Do Thái ở Hồng Kông là:

  • Michael Kadoorie (con trai của Lawrence Kadoorie): chủ tịch và đồng sở hữu của Tập đoàn CLP, Hongkong and Shanghai Hotels và hãng hàng không Metrojet, đồng thời là thành viên ban giám đốc của CK Hutchison Holdings.[61][32]
  • James Meyer Sassoon: giám đốc điều hành của Tập đoàn Jardine Matheson, Giám đốc Hongkong Land, Dairy Farm International Holdings, Mandarin Oriental Hotel Group và Jardine Lloyd Thompson, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Trung Quốc-Anh.[62]
  • Allan Zeman: chủ nhà hàng, chủ khách sạn và nhà phát triển bất động sản, thành viên ban giám đốc của tập đoàn Wynn Resorts,[63] còn được gọi là "cha đẻ" của Lan Quế Phường.[64]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Người Do Thái ở Hồng Kông http://adb.anu.edu.au/biography/nathan-sir-matthew... http://www.clement-jones.com/ps02/ps02_340.htm http://gwulo.com/charles-henri-maurice-bosman http://www.haaretz.com/jewish/features/.premium-1.... http://jewishencyclopedia.com/articles/13218-sasso... http://www.jewishencyclopedia.com/articles/11365-n... http://www.marketwatch.com/story/chinas-king-of-th... http://www.princetonmagazine.com/michael-blumentha... http://www.scmp.com/article/436388/patriarchs-and-... http://www.thestandard.com.hk/news_detail.asp?pp_c...